Các sáng kiến quốc tế về hệ thống địa chính biển quốc gia

Hệ thống địa chính biển được coi là hạ tầng rất quan trọng trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững các vùng biển, hải đảo nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung. Cùng với hệ thống địa chính phục vụ quản lý tài nguyên đất đai với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, hệ thống địa chính biển hiện đang được nhiều quốc gia có biển trên thế giới sử dụng.

Địa chính biển: định nghĩa và phạm vi

Khái niệm “địa chính biển” và nhu cầu để “xây dựng một hệ thống quản lý biển và một địa bạ, làm cơ sở cho các quyền và trách nhiệm trên biển, đáp ứng một cách hợp lý địa chính trên đất liền” (theo Robertson et al., 1999) trở nên rõ ràng vào cuối những năm 1990 khi nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên biển, việc công nhận giá trị thực tế và tiềm năng của môi trường biển với vai trò là nguồn lực kinh tế, dẫn đến sự gia tăng cạnh tranh để quản lý các nguồn lực này tăng cao. Một trong những động lực quan trọng là việc thực thi Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS)  cũng như sự nổi lên của phong trào môi trường sau Hội nghị thượng đỉnh Rio năm 1992 đồng thời với sự phát triển không ngừng của các Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (Spatial Data Infrastructures - SDI).

Trong bối cảnh trên, khái niệm địa chính biển đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng địa tin học, với vai trò là một phương tiện để cải thiện việc quản lý không gian biển và vùng bờ thông qua các hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Từ đó, nhu cầu về việc nghiên cứu, xây dựng các hệ thống địa chính biển đối với các khu vực biển có chế độ pháp lý khác nhau đã gia tăng nhanh chóng. Sau khi có nhiều sáng kiến nghiên cứu và dự án thí điểm về chủ đề địa chính biển, một số định nghĩa đã được đưa ra nhằm cố gắng thống nhất về khái niệm, định nghĩa và nội dung của địa chính biển. Hiện nay, địa chính biển là “một hệ thống cho phép các ranh giới về quyền và lợi ích biển được ghi, quản lý về mặt không gian và được xác định về mặt vật lý trong mối quan hệ với các ranh giới quyền và lợi ích lân cận hoặc cơ bản khác” (theo Grant, 1999).

 

Khái niệm địa chính biển

(Nguồn: chỉnh sửa từ http://coinatlantic.ca/index.php/indicators-and-icom/marine-spatial-planning)

Một thuật ngữ quan trọng thứ hai, cùng với định nghĩa về địa chính biển và tương tự như địa chính trên đất liền, là ý tưởng về thửa địa chính biển (“marine sea cadastre parcel” hay “sea cadastre parcel”). Thửa địa chính biển được định nghĩa là (theo De Latte, 2016):

- Thể tích thực tế của từng khu vực biển khác nhau (bao gồm bề mặt biển, cột nước, đáy biển hoặc đất và lòng đất dưới đáy biển) với: (i) quyền và trách nhiệm theo UNCLOS và (ii) quyền thừa hưởng (patrimonial rights) trong đó bao gồm quyền đối vật (rights in rem)[1]; và

- Một chiều thứ tư, có nghĩa là tính chất tạm thời của các quyền cụ thể (giấy phép với điều khoản cố định, chuyển nhượng và cho thuê khai thác, sản xuất năng lượng, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt…)

Liên quan chặt chẽ đến khái niệm địa chính biển là định nghĩa về Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian biển (Marine Spatial Data Infrastructure - MSDI). Theo Tổ chức thủy đạc quốc tế (International Hydrographic Organization - IHO), “Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian biển là cấu phần của một cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian bao gồm thông tin địa lý và thương mại biển theo nghĩa rộng lớn nhất. Dữ liệu thường bao gồm địa hình đáy biển, địa chất, cơ sở hạ tầng biển, việc sử dụng tài nguyên, ranh giới hành chính và pháp lý, các khu bảo tồn, khu sinh cảnh biển và hải dương học” (theo IHO, 2011). MSDI nhấn mạnh vào việc mở cửa thủy đạc và toàn bộ thông tin không gian địa lý biển.

Trong thực tế, địa chính biển được coi là một lớp cơ sở của một MSDI với thông tin nền liên quan đến các ranh giới trên biển, các quyền và giới hạn sử dụng có liên quan, được cập nhật và duy trì thường xuyên. Vai trò của địa chính biển là một lớp dữ liệu trong MSDI đã được thảo luận trong hội thảo quốc tế về quản lý môi trường biển được tổ chức tại Malaysia vào năm 2004. Hội thảo đã đề xuất một hệ thống tương tự với hệ thống quản lý đất đai, thông qua thuật ngữ hệ thống quản lý biển (Marine Administration System - MAS) để “quản lý các quyền, giới hạn sử dụng và trách nhiệm trong môi trường biển” với chiều không gian được hỗ trợ bởi MSDI. Hội thảo cũng khuyến nghị rằng “địa chính biển được xác định là một công cụ quản lý trong đó mô tả và hiển thị không gian, thực hiện các ranh giới được xác định chính thức và phi chính thức và quyền, giới hạn sử dụng và trách nhiệm có liên quan trong môi trường biển như một lớp dữ liệu trong MSDI, cho phép các thông tin được xác định, quản lý và truy cập hiệu quả hơn”. Để tránh các lỗ hổng quản lý trong vùng bờ, hội thảo đã thúc đẩy khái niệm SDI liền một mảnh bao gồm dữ liệu từ đất đai, bờ biển và môi trường biển, cho phép truy cập và chia sẻ dữ liệu giữa các môi trường đó được cải thiện.

 

Chiều không gian trong môi trường biển (Nguồn: chỉnh sửa từ FIG, 2006)

 

Các lớp trong cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian biển (Nguồn: chỉnh sửa từ Fowler et al., 2011)

Cũng như cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian, phạm vi của MSDI rất rộng, với rất nhiều sự phát triển và ứng dựng công nghệ liên quan. Tuy nhiên, so với SDI, MSDI chưa được định hình rõ do chủ đề MSDI vẫn còn rất mới. Tuy nhiên, mặc dù số các lớp MSDI hiện vẫn tương đối nhỏ về số lượng, số lớp có thể tăng thêm do hiểu biết và các hoạt động mới phát triển trong môi trường biển.

Các sáng kiến địa chính biển trên thế giới

Úc là một trong những quốc gia đầu tiên mà cộng đồng đo đạc và địa tin học đã chứng minh có mối quan tâm liên tục đối với vấn đề địa chính biển. Vào đầu năm 2000, một dự án về phân định các vùng biển (AMBIS 6) được thực hiện, vài năm sau một hệ thống thông tin được biết đến là hệ thống thông tin không gian biển Úc (Australian Marine Spatial Information System - AMSIS) được xây dựng. Sau này là một hệ thống bản đồ tương tác và hỗ trợ ra quyết định dựa trên web, trong đó cải thiện truy cập với thông tin tích hợp của chính phủ và phi chính phủ trong thẩm quyền tài phán của Úc và cung cấp thông tin địa chính đa mục tiêu, trong số đó là về các lợi ích hợp pháp. AMSIS bao gồm 80 lớp thông tin hiển thị về các chủ đề ranh giới biển, dầu khí, thủy sản, môi trường, quyền bản địa và khoáng sản ngoài khơi… Dữ liệu được thu từ khoa nghiên cứu về đất của Úc, các cơ quan chính phủ và các các ngành kinh tế.

 

Ví dụ về cổng thông tin biển tại Úc (Nguồn: https://www.elra.eu/)

Địa chính biển tại Hoa Kỳ được xây dựng phù hợp với Luật chính sách năng lượng năm 2005, phục vụ sáng kiến lập bản đồ phía ngoài thềm lục địa nhằm hỗ trợ ra quyết định liên quan đến hạ đặt các công trình năng lượng tái tạo ở thềm lục địa. Nhóm công tác ranh giới biển thuộc Ủy ban dữ liệu địa lý liên bang Hoa Kỳ (FGDC) đã xây dựng một kế hoạch thực hiện sáng kiến này, gọi là “địa chính biển đa mục tiêu”. Dự án này bắt đầu vào năm 2001 với 10 cơ quan tham gia và phiên bản đầu tiên được công bố vào năm 2010. Mặc dù sáng kiến địa chính biển ban đầu được thiết kế để hỗ trợ hạ đặt công trình năng lượng tái tạo bên ngoài thềm lục địa của Hoa Kỳ, hệ thống này cũng được sử dụng cho công tác khác liên quan đến biển. Ví dụ, hiện nay, hệ thống thông tin biển tích hợp của Hoa Kỳ với 270 bộ dữ liệu; cung cấp dữ liệu, công cụ và hỗ trợ không chỉ cho năng lượng tái tạo ngoài khơi mà còn cho cộng đồng quy hoạch biển thông qua hệ thống thông tin quy hoạch quốc gia, cung cấp truy cập trực tiếp với dữ liệu năng lượng tái tạo và quy hoạch biển trong khi hệ thống thông tin biển cung cấp truy cập các đặc tả dữ liệu đại dương, ven biển và vùng Hồ Lớn (Great Lakes) từ các cơ quan liên bang.

 

Ví dụ về cổng thông tin biển tại Hoa Kỳ (Nguồn: https://www.elra.eu)

Địa chính biển ở Israel là sự nối tiếp tự nhiên của địa chính trên đất liền và tuân theo cùng một nguyên tắc và phương pháp thực hiện. Ban đầu, Israel áp dụng cho vùng lãnh hải và giai đoạn tiếp theo mở rộng việc thực hiện ra vùng đặc quyền kinh tế. Việc đo đạc và đăng ký đất đai của Israel đã hoàn tất với việc giải quyết 16 lô địa chính biển và 13 lô khác đang chờ phê duyệt. Quá trình thực hiện diễn ra trơn tru, nhanh và với chi phí thấp.

 

Các lô địa chính biển được đề xuất của Israel (Nguồn: chỉnh sửa từ https://www.elra.eu)

Canada đã xây dựng Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian biển (Marine Spatial Data Infrastructure - MSDI), là một cấu phần quan trọng của Cơ sở hạ tầng không gian địa lý Canada (Canadian Geospatial Infrastructure) được gọi là “Geoconnections”. Sáng kiến khác trong CGDI là Mạng lưới thông tin ven biển và đại dương cho Đại Tây Dương Canada (Coastal and Ocean Information Network for Atlantic Canada - COINAtlantic), đã triển khai mạng lưới thông tin ven biển và đại dương cho phía tây Bắc Đại Tây Dương. Sáng kiến nhằm mục đích cung cấp truy cập mở với dữ liệu không gian để hỗ trợ quản lý tổng hợp ven biển và đại dương thông qua áp dụng các tiêu chuẩn, phù hợp với cấu trúc của CGDI. Năm 2008, COINAtlantic đã xây dựng một tiện ích tìm kiếm, giúp định vị các bộ dữ liệu biển và ven biển và cung cấp cho người dùng tùy chọn để thêm và hiển thị các bộ dữ liệu đã tìm kiếm vào một giao diện bản đồ đồ họa. Tiểu cấu phần của sáng kiến COINAtlantic là một nguyên mẫu địa chính biển, sử dụng vịnh St. Margaret’s, Nova Scotia là khu vực nghiên cứu. Tuy nhiên Canada vẫn đang tiến hành đăng ký các quyền liên quan đến biển và ven biển với vai trò là một cấu phần trong Hệ thống thông tin biển và ven biển. Ngoài ra, việc mở rộng CGDI sang Bắc Cực với sáng kiến SDI Bắc Cực bao gồm cả việc xây dựng địa chính biển ở khu vực Bắc Cực.

Các sáng kiến tương tự cũng đã được thực hiện ở Indonesia và Malaysia sau quyết định quan trọng đã được Ủy ban địa chính khu vực châu Á Thái Bình Dương thông qua tại Hội thảo quốc tế tại Malaysia vào năm 2004. Theo quyết định này, toàn bộ các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có quyền tài phán biển rộng lớn, khuyến khích các quốc gia đưa nhân tố biển vào trong Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia của mình nhằm khẳng định vai trò và nghĩa vụ trong việc thực hiện các trách nhiệm theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Vũ Hồng Hà

 



[1] Quyền đối vật (right in rem) là một quyền áp đặt một nghĩa vụ đối với mọi người nói chung; có nghĩa là hoặc đối với tất cả thế giới hoặc đối với tất cả thế giới trừ một số người xác định. Như vậy, nếu tôi có quyền loại trừ tất cả mọi người từ một thửa đất xác định, thì tôi có quyền đối vật đối với thửa đất đó; và, nếu có một hoặc nhiều người, A, B và C, mà tôi không có quyền loại trừ từ thửa đất đó, thì quyền của tôi vẫn là quyền đối vật”

  • 10/23/2020 2:51:29 AM